Search site


Contact

NGUYÊN NHÂN

 

Trước hết, TNGT gia tăng khó kiểm soát là do nước ta thiếu cơ sở lý luận, chưa có một cách nhìn toàn diện về ATGT. Công tác ATGT chưa đạt được những kết quả mong muốn, trước hết là do thiếu các nghiên cứu toàn diện và sâu sắc về vấn đề này. Các công trình nghiên cứu khoa học về ATGT chưa thực sự hoàn thiện. Bởi có hiểu biết sâu sắc và toàn diện về công tác ATGT mới đưa ra được các giải pháp đồng bộ và thiết thực để ngăn chặn tai nạn, tránh được cách làm hình thức chung chung.

Thứ hai, các chính sách về ATGT hiện nay không đồng bộ và nhất quán. Bảo đảm ATGT chưa được coi là một công việc thường xuyên, mà thường bị biến thành các chiến dịch. Nhiều công việc được phát động nhưng không được duy trì. Các chính sách về ATGT chưa được thống nhất trong các lĩnh vực. Chẳng hạn số phương tiện giao thông tăng, phá vỡ sự cân bằng giữa năng lực thông qua với số lượng phương tiện nhưng việc sản xuất nhập khẩu phương tiện vẫn tràn lan. Muốn người dân giảm bớt sử dụng xe máy nhưng lại để hệ thống vận tải công cộng quá yếu kém,… Nếu không có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ của các bên liên quan thì công tác ATGT không thể có hiệu quả.

Thứ ba, hệ thống vận tải công cộng quá yếu kém. Việc sử dụng các phương tiện cá nhân tràn lan ở nước ta hiện nay chủ yếu là do hệ thống vận tải công cộng quá yếu kém. Nếu hệ thống vận tải công cộng có thể đáp ứng được các yêu cầu này thì chắc chắn số người sử dụng phương tiện vận tải cá nhân sẽ giảm.

Thứ tư, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu. Hệ thống giao thông hiện tại có cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu, mạng lưới chưa được quy hoạch hợp lý. Các phương tiện tham gia giao thông cũng không đủ chất lượng. Chất lượng của hệ thống giao thông quá thấp là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn.

Thứ năm, chưa tận dụng hết các nguồn lực của xã hội tham gia vào phát triển vận tải hành khách. Hiện nay, Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ để thu hút các nguồn lực của xã hội tham gia vào vận tải hành khách công cộng, tuy nhiên trong thực tế hiệu quả của các chính sách này không cao. Xung quanh vấn đề trợ giá vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau đòi hỏi sự thống nhất về phương pháp luận khi giải quyết vấn đề này.

Thứ sáu, phát triển chưa cân đối các loại hình vận tải. Trong khi các xe chạy quá tải chen lấn nhau trên đường bộ thì các tuyến đường sắt nằm ngay bên cạnh vẫn còn chưa sử dụng hết công suất. Mặt khác nước ta có nhiều sông với bờ biển dài 3260 km nằm gần kề các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng. Phân bớt khối lượng vận chuyển từ ô tô sang đường sắt, hàng không và đường thủy sẽ làm giảm bớt sức ép và TNGT trên đường bộ. Thời gian qua, đã có nhiều đề án về nâng cao năng lực cho vận tải xe buýt trong thành phố nhưng khó có thể thực hiện được do việc phát triển cơ sở hạ tầng phải giải phóng mặt bằng với chi phí quá lớn. Trong hệ thống vận tải hành khách đô thị cần phát triển những loại hình vận tải tiên tiến như metro, đường sắt trên cao,…

Thứ bảy, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Theo một kết quả điều tra khảo sát gần đây tại Hà Nội thì 78% người điều khiển phương tiện hiện nay không nắm vững luật lệ giao thông. Đa số người tham gia giao thông chưa có ý thức tôn trọng luật. Đây là một trong các nguyên nhân chính gây ra TNGT ngày càng tăng. Nhiều cán bộ chưa làm hết trách nhiệm được giao và chính mỗi chúng ta còn chưa hoàn toàn hết lòng vì công việc này.